Thiếu kiến thức, yếu kỹ năng, thiếu tự tin hoặc tự tin thái quá, ứng xử ngớ ngẩn, vụng về, mơ hồ mục tiêu nghề nghiệp… đã khiến không ít bạn trẻ mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng
Tại sao doanh nghiệp (DN) thờ ơ với sinh viên mới ra trường? Thách thức của sinh viên vừa tốt nghiệp vào làm ở DN là gì? Vì sao các hội chợ việc làm không thỏa mãn nhu cầu của nhà tuyển dụng lẫn người lao động?… Các bạn trẻ phải tự “soi” lại mình để có thể giải những câu hỏi trên.
Nếu quan niệm rằng, việc thi đậu vào đại học là yếu tố quyết định tương lai thì vấn đề có việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ là “đối trọng” cần thiết sẽ giữ cho cán cân ấy thăng bằng. Thực tế cho thấy, để có thể được tuyển dụng vào làm việc chính thức cho một công ty, người lao động sẽ phải chạy đua hết sức khốc liệt trong một “đấu trường” đúng nghĩa với những cuộc sàng lọc vô cùng khắc nghiệt. Trong cuộc chạy đua nước rút ấy, DN đòi hỏi những gì ở các sinh viên mới ra trường?
Thông thường, khi lựa chọn nhân viên, nhà tuyển dụng xem xét một số tiêu chí kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Về kiến thức, để chọn đúng người, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên dự tuyển phải có khả năng vận dụng kiến thức học được vào công việc thực tiễn, qua đó có thể phát huy tính sáng tạo, chủ động trong công việc, làm việc độc lập trong môi trường áp lực cao.
Về kỹ năng, có thể nói các kỹ năng hỗ trợ chuyên môn của nhiều ứng viên trẻ chỉ là con số không. Đây là phần yếu nhất của sinh viên vì thiếu sự rèn luyện. Các phương pháp đào tạo truyền thống không kích thích được sinh viên tư duy độc lập. Hệ quả, đã có không ít sinh viên mới ra trường rất yếu ở kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc đội nhóm, viết sai lỗi chính tả, không soạn thảo được một văn bản ở dạng đơn giản nhất.
Riêng thái độ, được thể hiện qua tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, dám chịu trách nhiệm của ứng viên, nhiều bạn trẻ bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ cho việc giữ chỗ làm, thăng tiến trong công việc.
Phải hiểu nhà tuyển dụng cần gì ở mình để có sự tự tin khi đến với họ. Cách tốt nhất là phải chủ động tham gia các cuộc thi liên quan đến kỹ năng như viết công văn chuyên nghiệp, ứng xử tình huống phỏng vấn hay nhất, khả năng thuyết trình trước đám đông.
Ngoài ra, sinh viên cần chủ động thiết lập mối quan hệ với DN để tìm hiểu, học hỏi công việc thực tế, tham gia các hoạt động xã hội, các công việc bán thời gian để tích lũy kinh nghiệm.