Khi nhân viên giỏi hơn sếp?

Nếu bạn quản những nhân viên dưới quyền có chuyên môn vượt trội (đặc biệt khi bạn là một quản lý trẻ tuổi), thì bạn có thể làm theo những cách sau để “biến dở thành tốt” và giải quyết trọn vẹn được những tình huống khó khăn.
1. Hãy trung thực
Nếu cấp dưới hỏi bạn những vấn đề chuyên môn mà bạn không biết, hãy thành thật. Lúc đầu, tôi cũng lảng tránh vấn đề này bởi vì cho rằng nó sẽ làm tôi lộ rõ điểm yếu của bản thân và sẽ làm giảm uy tín của một vị lãnh đạo.
Nhưng hãy tin tôi đi, nếu bạn cố “giữ thể diện” bằng cách đưa ra những câu trả lời “hình thức” thì bạn sẽ đẩy tình huống đi rất xa và làm cả đôi bên rơi vào thế khó xử. Tệ hơn, bạn sẽ đánh mất sự tôn trọng của nhân viên cho mình.
Mặt khác, cũng đừng “đánh bóng” những câu trả lời. Hãy đối diện với nó, hãy cho nhân viên của bạn một giải pháp rõ ràng: “Tôi không phải là người đưa ra được giải pháp tốt nhất, hãy đem câu hỏi này đến cho nhân viên (A,B,C nào đó) để có câu trả lời tối ưu”. Bằng cách này, bạn sẽ thể hiện được vai trò quản lý của mình. Bạn không trực tiếp giải quyết mọi vấn đề nhưng sẽ tìm được người phù hợp nhất cho từng vấn đề đang xảy ra.
2. Học hỏi từ cấp dưới của mình
Thay vì luôn run sợ vì sự hiểu biết của nhân viên (và lo lắng họ sẽ nghĩ gì về sự thiếu hiểu biết của bạn), hãy tận dụng chúng. Là người mới trong một cộng đồng toàn “chuyên viên” – điều bạn cần làm nhất không phải là “dương oai diễu võ” mà là không ngừng học hỏi và thích nghi. Dù cấp dưới của bạn tài năng đến đâu, họ cũng có những “ngày đầu khó khăn” và sẽ ít nhiều đồng cảm với người mới như bạn.
Trong vài tuần đầu, hãy dành thời gian ngồi xuống với các nhân viên, xem xét thói quen hàng ngày và đặt những câu hỏi về công việc và các vấn đề của nhân viên. Họ sẽ chia sẻ với bạn những kiến thức chuyên môn và các câu chuyện liên quan văn hóa chốn văn phòng. Bằng cách này, bạn sẽ nhận được nhiều điều quý giá hơn là chỉ ngồi đọc cuốn “hướng dẫn công việc” được in sẵn.
3. Yêu cầu phản hồi từ nhân viên
Nếu bạn đang sở hữu những cấp dưới có tới 10 năm làm việc thì họ chắc chắn đã chứng kiến những lần thay đổi quy trình công việc, những vấn đề tồn đọng cần được giải quyết và cả những điểm “cốt lõi” nên được giữ lại.
Là người quản lý đang hướng tới những cách tân, tăng hiệu quả và năng suất, hãy sử dụng những nhân viên kỳ cựu như một nguồn lực tuyệt vời. Hỏi các thành viên trong đội của bạn để có nhiều đóng góp nhất có thể.
Những ý tưởng đó thường dẫn bạn đến với những “phương pháp” vô cùng bất ngờ và thú vị. Nếu bạn không hiểu các quy trình, họ có thể giúp bạn, đồng thời cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thay đổi nó.
Tuy nhiên, tôi thành thật khuyên bạn: Đừng để những cuộc trò chuyện này trở thành nơi để nhân viên than vãn – hãy đảm bảo những quan điểm bạn thảo luận thực sự dẫn đến các bước hành động và chú ý mục tiêu giải quyết các vấn đề và làm cho các quy trình trở nên tốt hơn.
4. Thực sự tôn trọng nhân viên của mình
Cuối cùng, nhớ chú ý đến hoàn cảnh của bạn bây giờ. Bạn sẽ rất dễ sa đà và trở thành người quản lý luôn “phòng thủ”, nghĩ rằng bạn phải đánh bại tất cả nhân viên vì họ đang thèm muốn vị trí này – và sau đó suy diễn họ sẽ ghen tị, thiếu tôn trọng và miệt thị bạn.
Sự thật là, không phải ai cũng mong muốn và phù hợp để trở thành quản lý. Mỗi vị trí sẽ yêu cầu mỗi kỹ năng khác nhau. Rất nhiều người không muốn trở thành quản lý bởi vì họ không muốn đối phó với các cuộc họp, ngân sách, kỷ luật nhân viên, và tất cả các nhiệm vụ khác có vai trò giám sát viên.
Với ý nghĩ đó, điều quan trọng là buông bỏ các định kiến của bạn, kiềm nén cái tôi và luôn thể hiện rằng bạn tôn trọng và đánh giá nhân viên minh bạch và công bằng. Hãy cho cấp dưới của bạn biết bạn tôn trọng những nỗ lực của họ và cũng đang cố gắng để trở thành vị “sếp” tốt.

Tìm việc nâng cao

Giới thiệu
Chúng tôi online
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin