Hướng dẫn cách viết CV chuyên nghiệp đầy đủ và chi tiết nhất
CV là công cụ vô cùng quen thuộc giúp nhà tuyển dụng đánh giá sơ lược về bạn khi bạn muốn ứng tuyển cho một vị trí công việc mới. Dù phổ biến như vậy, nhưng bạn có chắc là mình biết cách viết CV một cách chuyên nghiệp? Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về các nội dung cần có trong CV. Đồng thời sẽ hướng dẫn bạn cách viết chi tiết để giúp bạn có được bản CV tìm việc chuyên nghiệp nhất.
Các nội dung cần có trong CV/resume
Một bản CV hoàn chỉnh để nộp hồ sơ xin việc sẽ bao gồm các thông tin sau:
- Thông tin cá nhân
- Giới thiệu bản thân/Mục tiêu nghề nghiệp/Tóm tắt sự nghiệp
- Trình độ học vấn
- Kỹ năng
- Kinh nghiệm làm việc
Thông tin cá nhân (Contact)
Thông tin cá nhân cần có trong CV là các thông tin cơ bản giúp nhà tuyển dụng có thể liên hệ với bạn khi cần, bao gồm:
- Họ tên: Họ và tên đầy đủ của bạn.
- Email: Địa chỉ email chuyên nghiệp, thường được tạo từ tên của bạn với đuôi email là Gmail. Tránh các địa chỉ thiếu nghiêm túc như biệt danh hoặc sử dụng ngôn ngữ mạng (teen code) như heocon_ng0x, maiyeuminhem, v.v.
- Số điện thoại: Kiểm tra thông tin cẩn thận, đảm bảo bạn không viết sai hoặc thiếu ký tự.
- Địa chỉ: Thông tin nơi ở hiện tại của bạn. Thông tin về quận/huyện và thành phố/tỉnh là đủ để nhà tuyển dụng hình dung được địa điểm làm việc thích hợp của bạn. Hoặc bạn có thể cân nhắc đưa địa điểm làm việc mong muốn vào phần này thay vì địa chỉ nhà của mình.
- Hình chụp: Hình chân dung nhìn rõ mặt và thể hiện phong thái chuyên nghiệp của bạn.
Giới thiệu bản thân, mục tiêu nghề nghiệp, tóm tắt sự nghiệp
Có nhiều cách giới thiệu bản thân trong CV, nhưng nhìn chung, phần này thường có 3 nội dung chính sau:
- Tóm tắt sự nghiệp
- Mục tiêu nghề nghiệp
- Đặc điểm tính cách trong công việc/phong cách làm việc/vai trò trong nhóm
Tùy thuộc vào mức độ kinh nghiệm trong công việc của bạn, bạn có thể chọn viết một vài hoặc tất cả các nội dung trên.
Nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc đang muốn thay đổi nghề nghiệp của mình, một phần Mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung được định hướng của bạn khi đến với công ty tốt hơn.
Cách viết mục tiêu nghề nghiệp
- Xác định cụ thể lĩnh vực/chuyên môn và định hướng mà bạn mong muốn phát triển đến (chuyên gia hoặc quản lý), có thể tách thành mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
- Tránh đưa ra các mục tiêu chung chung như “Tìm kiếm cơ hội phát triển trong môi trường chuyên nghiệp để nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp”. Đây là những thông tin không hề có giá trị với nhà tuyển dụng mà chỉ tốn không gian CV của bạn.
Mẫu Mục tiêu nghề nghiệp 1
- Không nên: Xây dựng sự nghiệp với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.
- Nên: Tôi luôn muốn luôn đi đầu trong các xu hướng thiết kế trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp của mình.
Mẫu mục tiêu nghề nghiệp 2
- Không nên: Nâng cao các kỹ năng chuyên môn trong một môi trường ổn định và năng động.
- Nên: Tôi mong muốn được giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và có cơ hội tiếp xúc với đa dạng các dự án thiết kế khác biệt mà công ty A vẫn luôn tự hào.
Nếu bạn đã có kha khá kinh nghiệm, đừng chỉ nói về mục tiêu nghề nghiệp của mình mà hãy thêm tóm tắt sự nghiệp với những điểm nhấn trong chuyên môn và kinh nghiệm vào phần này. Luôn nhớ, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm việc bạn đã làm được gì và sẽ đóng góp ra sao cho công ty hơn là việc bạn muốn và sẽ trở thành ai.
Cách viết tóm tắt sự nghiệp trong CV
- Chắt lọc các kinh nghiệm, kỹ năng hoặc thành tựu đắt giá nhất trong mục Kỹ năng và Kinh nghiệm làm việc của bạn và lập thành một danh sách
- “Tiên đoán” các mong đợi của nhà tuyển dụng thông qua mô tả công việc trên tin tuyển dụng để lựa chọn kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp nhất từ danh sách trên
- Sử dụng các tính từ hoặc động từ có sắc thái mạnh mẽ và tích cực để mô tả các kỹ năng hoặc thành tựu mà bạn có. Nhà tuyển dụng sẽ đọc và ghi nhớ từ khóa, vậy nên hãy lựa chọn từ khóa ấn tượng.
- Cụ thể hóa các kinh nghiệm của bạn và thành tích đã đạt được bằng các con số
- Lựa chọn cho mình một danh xưng phù hợp với các kinh nghiệm được liệt kê, ví dụ như Chuyên gia chiến lược truyền thông, để khiến “chân dung” của bạn sống động hơn
Trình độ học vấn
Phần Trình độ học vấn bao gồm:
- Trường đại học/cao đẳng bạn đã học
- Chuyên ngành học
- Thời gian tốt nghiệp
Một câu hỏi rất thường hay gặp phải ở phần này là có cần đưa kết quả học tập hoặc điểm trung bình (GPA) vào CV hay không. Câu trả lời phụ thuộc vào 2 điểm sau:
- Kết quả học tập của bạn thuộc loại nào: Nếu bạn có điểm trung bình từ 8.0/10 hoặc 3.0/4.0 và chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể cân nhắc đưa kết quả học tập vào CV như một phần tham khảo cho nhà tuyển dụng.
- Công việc có yêu cầu kết quả học tập không: Nếu bạn ứng tuyển cho các công việc thiên về nghiên cứu hoặc học thuật, kết quả học tập chắc chắn là thông tin cần thiết cho nhà tuyển dụng để đánh giá chuyên môn của bạn. Mặt khác, nếu công việc không yêu cầu, hoặc bạn đã đi làm được vài năm, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm tới các kinh nghiệm tích lũy liên quan của bạn hơn.
Kỹ năng
Kỹ năng là một trong hai phần quan trọng nhất trong CV của bạn, bên cạnh kinh nghiệm làm việc. Mục kỹ năng cho nhà tuyển dụng cái nhìn tổng quan về những kỹ năng mà bạn có, trong khi phần kinh nghiệm làm việc mô tả chi tiết về cách bạn sử dụng các kỹ năng của mình để đạt được kết quả. Vị trí thích hợp cho mục này là bên dưới phần giới thiệu bản thân/mục tiêu nghề nghiệp/tóm tắt sự nghiệp.
Có 3 loại kỹ năng bạn có thể đưa vào CV:
- Kỹ năng cứng là những kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc. Nhà tuyển dụng thường quan tâm đến các kỹ năng này hơn cả.
- Kỹ năng mềm là những đặc điểm/tính cách cá nhân thể hiện phong cách làm việc của bạn
- Kỹ năng chuyển đổi là những kỹ năng có thể sử dụng linh hoạt từ công việc này sang công việc khác. Kỹ năng chuyển đổi đặc biệt hữu ích khi thay đổi nghề nghiệp.
Cách viết Kỹ năng trong CV/resume
- Nhìn vào phần mô tả công việc trong các tin tuyển dụng cho vị trí mà bạn mong muốn, liệt kê những kỹ năng được sử dụng lặp đi lặp lại nhất, tạo thành danh sách theo thứ tự ưu tiên tần suất xuất hiện của mỗi kỹ năng
- Liệt kê các kỹ năng mà bạn có, lập thành danh sách theo thứ tự ưu tiên các kỹ năng bạn tốt nhất/có nhiều kinh nghiệm nhất
- Xác định các kỹ năng trùng khớp giữa 2 danh sách và chọn ra từ 10-15 kỹ năng, các kỹ năng càng ở đầu danh sách càng có giá trị
- Trình bày các kỹ năng theo dạng danh sách liệt kê đối xứng, có thể chia thành 2 cột (10 kỹ năng) hoặc 3 cột (15 kỹ năng)
- Các kỹ năng trong cùng một lĩnh vực nên được nhóm lại với nhau