Vai trò của CV trong tuyển dụng
Khi ứng tuyển bất kì công việc nào, nhà tuyển dụng luôn yêu cầu ứng viên phải nộp CV cá nhân của mình. Điều đó chứng tỏ CV đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong suốt quá trình tuyển dụng. Vậy, vai trò đó là gì?
2.1. CV là cầu nối giữa ứng viên và nhà tuyển dụng
Khi nhà tuyển dụng cần tìm ứng viên, họ chỉ cần đăng tin tuyển dụng và chờ ứng viên nộp CV để hiểu hơn về ứng viên đó. Ngoài ra, CV là một cầu nối vững chắc giữa ứng viên và nhà tuyển dụng bởi nó cho nhà tuyển dụng biết được một ứng viên có thực sự phù hợp với vị trí họ đang ứng tuyển hay không.
2.2. CV cho nhà tuyển dụng một cái nhìn bao quát về ứng viên
Thông qua các thông tin cơ bản trong CV, nhà tuyển dụng có thể hiểu thêm rất nhiều điều về một ứng viên, từ định hướng nghề nghiệp cho đến quá trình phát triển sự nghiệp và phấn đấu của ứng viên ra sao.
2.3. CV là căn cứ để nhà tuyển dụng đặt câu hỏi cho ứng viên trong buổi phỏng vấn
Trong buổi phỏng vấn trực tiếp, dựa vào CV, nhà tuyển dụng sẽ biết nên đặt ra những câu hỏi như thế nào để hiểu hơn về ứng viên, chủ yếu là những câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm làm việc, mục tiêu, định hướng công việc trong tương lai, và những kỹ năng cần có của ứng viên để phục vụ cho công việc.
3. Nội dung của một bản CV chuẩn
Một bản CV chuẩn sẽ bao gồm đầy đủ các thông tin sau:
- Thông tin cá nhân như họ tên, ngày sinh, giới tính,…
- Thông tin liên hệ như số điện thoại cá nhân, địa chỉ email, LinkedIn (Nếu có), địa chỉ thường trú hiện tại,…
- Mục tiêu nghề nghiệp
- Trình độ học vấn, các thành tích và chứng chỉ đã đạt được
- Kinh nghiệm làm việc
- Hoạt động ngoại khóa liên quan
- Các thông tin liên quan khác
Ngoài việc đề cập đầy đủ các thông tin, bạn cũng sẽ cần chú ý đến cách trình bày các thông tin ấy ra sao trong bản CV của mình.
Đầu tiên, bạn cần có cách trình bày thật khoa học. Bạn có thể lựa chọn trình bày các thông tin trong CV theo chức năng, hoặc theo thời gian. Trình bày thông tin theo chức năng là khi bạn sắp xếp các kinh nghiệm làm việc nổi bật và xuất sắc nhất của mình lên trước, đồng thời để những kinh nghiệm làm việc bình thường và không liên quan nhiều ở sau. Ưu điểm của cách này là sẽ hướng sự tập trung của nhà tuyển dụng vào những kinh nghiệm nổi bật nhất của bạn. Đối với cách trình bày theo thời gian, bạn sẽ sắp xếp các thông tin của mình ngược chiều thời gian, những kinh nghiệm làm việc gần đây nhất sẽ được đề cập đến trước.
Thứ hai, khi viết CV, bạn cũng nên thể hiện sự chuyên nghiệp của mình từ những điều nhỏ nhất. Ví dụ như chọn một bức ảnh cá nhân lịch sự, đề cập đến tên email công việc, lựa chọn màu CV nền nã, không màu mè, gây rối và mất tập trung cho nhà tuyển dụng trong quá trình đọc CV.
4. Cách viết CV
4.1 Cách viết CV cho người có ít kinh nghiệm làm việc
Đối với ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, viết một CV để nộp cho nhà tuyển dụng thường rất khó khăn. Vậy nên có một số lưu ý ứng viên có thể áp dụng để làm cho bản CV của mình tốt hơn.
- Mục tiêu nghề nghiệp
Vì chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, ứng viên cần phải thể hiện được rằng mình có mục tiêu rõ ràng và cụ thể trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có thêm niềm tin vào ứng viên.
Ngoài ra, đối với các ứng viên có ít kinh nghiệm, điều quan trọng là bạn phải thể hiện được tình yêu, sự nhiệt huyết với công việc, thái độ làm việc tốt, và luôn sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng cống hiến. Điều này sẽ giúp bạn tạo được ưu thế lớn so với các hồ sơ khác trong quá trình ứng tuyển.
- Trình độ học vấn, các thành tích và chứng chỉ đã đạt được
Do chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nên đây là phần ứng viên cần tập trung làm nổi bật trong bản CV của mình. Ứng viên nên bắt đầu liệt kê từ trình độ học vấn cao nhất của bản thân. (ví dụ như: đạt học bổng học kỳ, các giải thưởng trong các cuộc thi, các chứng chỉ liên quan,…)
- Kinh nghiệm làm việc
Đây là phần mà ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, ứng viên vẫn có thể tập trung vào các hoạt động/dự án mình đã từng tham gia.
Ngoài ra, nếu bạn là sinh viên, đừng ngại tìm kiếm cho mình một công việc part-time để trải nghiệm ngay từ bây giờ. Một công việc part-time không chỉ giúp bạn học được cách quản lí thời gian hiệu quả, nâng cao kĩ năng sống, có thêm kinh nghiệm làm việc thực tiễn, mà còn trở thành lợi thế rất lớn trong hành trình tìm việc làm của bạn sau khi ra trường.
4.2. Cách viết CV cho người đã có kinh nghiệm làm việc
Đối với người đã có kinh nghiệm làm việc, viết một bản CV không còn quá khó khăn. Tuy nhiên, ứng viên cần phải chú ý tới việc chọn lọc và sắp xếp các thông tin trong bản CV sao cho phù hợp để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
- Mục tiêu nghề nghiệp
Các ứng viên có nhiều kinh nghiệm làm việc thường đã thiết lập cho mình những mục tiêu nghề nghiệp rất cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, hãy liệt kê chúng đầy đủ, nhưng súc tích và gãy gọn để nhà tuyển dụng có thể hiểu hơn về ứng viên qua CV.
- Trình độ học vấn, các thành tích và chứng chỉ đã đạt được
Với ứng viên đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, nhà tuyển dụng thường không quá quan trọng đến trình độ học vấn của họ (trừ 1 số công việc đặc thù). Họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc bạn đã công tác ở đâu trước đây, đã có kinh nghiệm làm việc ở các mảng nào, từ đó bạn sẽ đem lại được giá trị gì cho họ.
- Kinh nghiệm làm việc
Đây là phần cực kì quan trọng trong một CV của ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc. Đối với những ứng viên này, họ có thể có rất nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, ứng viên cần biết cách chọn lọc, chỉ liệt kê những kinh nghiệm liên quan đến công việc ứng tuyển. Bên cạnh đó, ứng viên có thể sắp xếp các công việc theo trình tự thời gian, từ công việc gần đây nhất đến công việc xa nhất.
Khi trình bày về kinh nghiệm làm việc, ứng viên không nên chỉ liệt kê các đầu việc, trách nhiệm của mình khi làm công việc ấy. Thay vào đó, ứng viên nên kể ra những thành tích của mình trong công việc như các giải thưởng nhân viên xuất sắc, hay đạt KPI hàng tháng,….
5. Những điều quan trọng thường bị xem nhẹ khi chuẩn bị CV
Viết một CV là việc rất dễ dàng, nhưng làm sao để CV ấy thể hiện được sự chuyên nghiệp của bạn và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thì không đơn giản như vậy. Hãy cân nhắc những điều quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ dưới đây để bản CV của bạn trở nên ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng nhé!
- CV nên có ảnh đại diện
Một bức ảnh đại diện chỉn chu, sáng sủa sẽ trở thành điểm nhấn tuyệt vời trong CV của ứng viên. Ảnh đại diện cũng sẽ giúp nhà tuyển dụng cảm thấy tin tưởng hơn khi xem hồ sơ của ứng viên. Tuy nhiên, ứng viên cần chú ý chọn một bức ảnh đại diện thật phù hợp. Hãy chuẩn bị trang phục, đầu tóc thật gọn gàng, chỉnh tề và lịch sự trước khi chụp ảnh đại diện cho CV của mình nhé!
- Trình bày CV khoa học, rõ ràng và dễ hiểu
CV nên được trình bày một cách khoa học, có chia thành các mục rõ ràng để nhà tuyển dụng dễ dàng theo dõi. Với mỗi mục trong CV, ứng viên cũng nên chú ý chia thành các ý nhỏ và bổ sung mốc thời gian để nhà tuyển dụng thấy rõ được quá trình nỗ lực và phát triển bản thân của ứng viên.
Ví dụ khi ứng tuyển cho vị trí giáo viên Tiếng Anh, trong mục kinh nghiệm làm việc, bạn có thể đề cập tới công việc tại các trung tâm Tiếng Anh, các trường học mình đã từng làm trước đây. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kể đến các công việc như gia sư, trợ giảng, các hoạt động có liên quan và cần sử dụng đến Tiếng Anh mà bạn đã có cơ hội tham gia khi còn là sinh viên đại học. Bạn cũng nên chú ý trình bày theo trình tự thời gian, từ những kinh nghiệm gần đây nhất, cho đến những kinh nghiệm xa hơn, để tạo ra sự logic cho bản CV của mình.
- Làm nổi bật các thông tin quan trọng trong CV
Ứng viên có thể làm nổi bật các thông tin quan trọng trong CV của mình như: các thành tích nổi bật, các giải thưởng, chứng chỉ,….. Bằng cách bôi đậm hoặc sử dụng màu chữ khác. Cách này sẽ khiến nhà tuyển dụng chú ý hơn đến những điểm nổi bật và cũng ghi nhớ chúng lâu hơn.
- Sử dụng màu phù hợp cho CV
Ứng viên có thể thoải mái lựa chọn màu sắc mong muốn cho CV của mình. Tuy nhiên, ứng viên nên tránh chọn các màu quá sáng hoặc quá tối có thể khiến chữ bị mờ và gây khó khăn cho nhà tuyển dụng trong quá trình đọc CV.
- Độ dài lí tưởng của một CV là 1-2 trang giấy A4
Đừng nói dai, nói dài, nói dại! Cho dù ứng viên có nhiều kinh nghiệm làm việc đến mấy, một CV cũng chỉ nên ngắn gọn trong khoảng 1-2 trang giấy A4, và lí tưởng nhất là 1 trang giấy. Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy nản trong quá trình đọc nếu CV của ứng viên quá dài. Do vậy, ứng viên không nên liệt kê hết tất cả mọi thứ, hãy tập trung vào những gì liên quan tới công việc ứng tuyển và những điểm nổi bật nhất của bản thân.