Quan hệ lao động (Labour relations) là những mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ giữa các cá nhân hay tập thể người lao động đối với người sử dụng lao động.
1 Quan hệ lao động là gì?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 thì quan hệ lao động được hiểu: “Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động”.
Nói đơn giản thì quan hệ lao động (Labour relations) là những mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ giữa các cá nhân hay tập thể người lao động đối với người sử dụng lao động. Việc quản lý quan hệ lao động không chỉ là quản lý tiền lương, chính sách đối với người lao động mà còn là quản lý về các thủ tục tuân thủ đối với các cơ quan nhà nước.
Với khái niệm này thì có thể thấy, quan hệ lao động có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, chủ thể của quan hệ lao động là người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 thì NLĐ là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của NSDLĐ.
Tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Thứ hai, trong quan hệ lao động, NLĐ luôn phụ thuộc vào NSDLĐ. Cụ thể:
Về mặt pháp lý, NSDLĐ có quyền tổ chức, quản lý quá trình lao động của NLĐ và NLĐ phải tuân thủ. Bởi NSDLĐ là người có quyền sở hữu tài sản mà các yếu tố cấu thành nên quan hệ sản xuất luôn chịu sự chi phối của quan hệ sở hữu. Bên cạnh đó, NSDLĐ còn bỏ tiền ra để mua sức lao động của NLĐ, muốn cho việc sử dụng sức lao động đó đạt hiệu quả đòi hỏi NSDLĐ phải quản lý nó một cách khoa học và phù hợp.
Về mặt lợi ích kinh tế, giữa NSDLĐ và NLĐ vừa có sự mâu thuẫn, vừa có sự thống nhất phụ thuộc lẫn nhau. Ở khía cạnh nhất định, NSDLĐ luôn muốn giảm tới mức thấp nhất các khoản chi phí trong đó có vấn đề tiền lương của NLĐ để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, tiền lương và thu nhập trong quan hệ lao động lại là nguồn sống chủ yếu của NLĐ.
Như vậy có thể thấy, sự phụ thuộc của NLĐ là đặc điểm quan trọng để phận biệt quan hệ lao động với các quan hệ tương đồng và là căn cứ để xác định đối tượng điều chỉnh của luật lao động.
Thứ ba, quan hệ lao động chứa đồng bộ các yếu tố kinh tế và xã hội. Biểu hiện của đặc điểm này đó là quan hệ lao động không chỉ liên quan đến việc làm, giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp, bảo đảm đời sống của NLĐ, giảm thiểu các tình trạng tệ nạn xã hội…mà còn liên quan đến nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế.
2. Công việc của người quản lý lao động là gì?
Công việc quản lý lao động hiện nay được rất nhiều công ty lớn chia thành một phân hệ chính trong bộ phận nhân sự, cụ thể, người quản lý lao động sẽ cần đảm đương một số công việc như:
Chịu trách nhiệm chính trong các vấn đề liên quan đến xây dựng chính sách, quy trình, quy định và các văn bản nội bộ có liên quan đến Người lao động được ban hành trong Bộ phận Nhân sự. Đồng thời, kiểm soát và rà soát lại các hoạt động của Bộ phận Nhân sự về việc thực thi các quy trình, quy định có tuân thủ theo đúng yêu cầu hay không.
Vị trí này sẽ là cầu nối giữa người lao động và Ban giám đốc để hỗ trợ xây dựng, phát triển các chương trình, chính sách dành cho đội ngũ nhân lực luôn được cải tiến thông qua các quá đình đóng góp của các bộ phận. Đồng thời, sẽ là người người kiểm soát các kết quả thực hiện quy định của các cấp nhân sự ở các bộ phận có tính tuân thủ quy định hay không, những sai phạm được phát hiện sẽ do vị trí này đảm nhận việc đề xuất hướng xử lý kỷ luật tuân thủ đúng quy trình pháp luật ban hành.
Tham gia các công tác truyền thông và quan hệ lao động cũng như là các hoạt động tổ chức dành cho tập thể nhân viên Công ty.