Thời gian đầu của một nhân viên mới thường có những cảm xúc trái ngược nhau. Một mặt họ háo hức chứng minh bản thân với người tuyển dụng, nhưng đồng thời họ lại cảm thấy lo ngại mình có phù hợp với công ty hay không. Đường cong biểu thị thời gian làm quen của nhân viên mới đang rất dốc. Cả hai cảm xúc có xu hướng chủ động điều chỉnh theo văn hóa mới.
Tại sao chúng ta luôn nỗ lực tìm kiếm và thu hút ứng viên giỏi, tuyển dụng người tài vào công ty, nhưng sau đó lại khiến họ ra đi? Do chúng ta đã bỏ qua việc định hướng nhân viên mới. Mọi doanh nghiệp đều mong muốn người mới nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc. Trên cương vị một người lãnh đạo, hãy cùng kenhnhansu.com tham khảo một số kinh nghiệm thực tiễn sau đây để có sự hỗ trợ thích đáng.
Chào đón ngay phút đầu tiên
Tiếp nhận nhân viên mới là việc rất nhỏ nhưng mang ý nghĩa quan trọng. Hãy bắt đầu giúp người mới hòa nhập ngay từ ngày đầu họ tham gia. Tổ chức chu đáo và đón tiếp chuyên nghiệp luôn tạo nên sự thiện cảm và cảm giác được trân trọng. Đây là động lực thúc đẩy họ làm việc và cố gắng bắt nhịp cùng công ty. Hơn thế nữa, ấn tượng tốt đẹp từ buổi đầu tiên sẽ là yếu tố giữ chân người lao động ở lại với tổ chức dù công việc có nhiều áp lực, khó khăn đến đâu.
Hỗ trợ tạo lập quan hệ công sở
Không nên để mặc nhân viên của bạn loay hoay với những mối quan hệ mới và rồi họ cảm thấy bị lẻ loi, cô lập. Khi giới thiệu người mới với các phòng ban đừng chỉ dắt nhân viên đi một vòng cho mọi người biết mặt. Bạn nên dành thời gian giới thiệu một chút về cá nhân và công việc họ phụ trách cũng như chỉ rõ các mối liên hệ cần thiết.
Khi một người gia nhập vào môi trường mới, gặp những con người mới, họ không biết mình có được chấp nhận hay không. Mọi thái độ và hành động của người đối diện lúc này ít nhiều đều có tác động đến tâm lý và tinh thần làm việc của họ. Bạn chính là người thu hẹp khoảng cách và là cầu nối của nhân viên cũ và nhân viên mới. Hãy luôn ghi nhớ rằng hỗ trợ tốt nhất cho người mới đến hoàn thành công việc nghĩa là bạn đã giúp cho chính công ty mình.
Công khai những quy định
Đừng bắt nhân viên mới phải tự tìm hiểu cái gì là nên làm và điều gì không được phép. Mọi chính sách, nội quy do tổ chức đề ra cần phải được truyền đạt thấu đáo cho nhân viên trên tinh thần vì lợi ích chung. Qua đó nhân viên mới sẽ phải nắm rõ những quy cách ứng xử như chào hỏi, cách trao đổi công việc để tránh vi phạm hoặc gặp sự bối rối, phiền hà không đáng có.
Thẳng thắn đưa ra những mong đợi
Nếu bạn có những yêu cầu và mong đợi đối với nhân viên, hãy thẳn thắng trao đổi, hướng dẫn và động viên họ nỗ lực thực hiện. Đồng thời, thông báo đúng lúc các chính sách, ưu đãi cho nhân viên mới sẽ làm cho họ thấy được giá trị của công ty. Từ đó, họ sẽ cố gắng hòa nhập với tổ chức và nỗ lực cống hiến cho xứng đáng. Thái độ tích cực và ý thức trách nhiệm của nhân viên cũng sẽ được củng cố.
Hãy động viên và chia sẻ
Khi có thể, nên tổ chức vài buổi ăn trưa thân mật giữa nhân viên mới với các đồng nghiệp. Ăn trưa cùng nhau có thể giúp cho nhân viên cảm thấy quan trọng và được hoan nghênh. Qua những buổi họp mặt trò chuyện này, các giá trị truyền thống và thuộc tính văn hóa của công ty sẽ được truyền đạt đến người mới một cách dễ dàng hơn là thông qua nhân sự hoặc cẩm nang công ty.
Bằng cách tham gia với các nhân viên cũ, người mới được tiếp xúc với những câu chuyện của nhà tuyển dụng và vẽ ra viễn cảnh rằng công ty sẽ làm nơi làm việc tuyệt vời. Khi người lao động cảm thấy dễ chịu với các đồng nghiệp, rất có khả năng họ sẽ cảm thấy tốt về vai trò chuyên môn, công việc của mình. Và họ có mong muốn đóng góp một trăm phần trăm sức mình cho công ty.
Lắng nghe những phản hồi
Chúng ta thường suy nghĩ thông tin phản hồi là những điều mà người quản lý trao đổi với nhân viên mới để thu hẹp khoảng cách từ mức độ hoàn thành công việc hiện tại đến hiệu quả thực mà công ty mong đợi họ. Nhưng thực tế, trong khoảng chín mươi ngày làm việc đầu tiên bạn nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt về nhân viên mới để bồi dưỡng kinh nghiệm riêng và tương lai cho họ. Hãy thu hút thông tin phản hồi của nhân viên thông qua những câu hỏi như:
Anh thoải mái về điều gì nhất trong suốt những ngày đầu tiên?
Anh cảm nhận thế mạnh của mình là gì?
Đâu là nơi anh nghĩ rằng mình có cơ hội phát triển ?
Tôi có thể làm gì để hỗ trợ anh?
Thực hiện điều này định kỳ trong vòng vài tháng đầu tiên cũng sẽ tạo ra văn hóa công ty. Chúng giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và họ nhất định sẽ mang đến cho bạn những ý tưởng, sự hỗ trợ và cả xử lý sự cố khi cần thiết nữa.
Dù cho bạn đã chắc chắn trong quá trình tuyển dụng rằng rất dễ dàng hòa nhập với văn hóa công ty, các nhân viên mới vẫn có thể không cảm thấy như vậy ngay trong một sớm một chiều. Thiếu đi sự hòa nhập văn hóa, họ có thể trở nên nhàn nhã và không hài lòng trước khi lao vào làm bất kỳ công việc nào đấy mà họ thấy cần.
Để thành công, nhân viên cần phải cảm thấy họ là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn, sứ mạng và giá trị cốt lõi của công ty. Và đây chính là trách nhiệm của bạn, người hỗ trợ dẫn dắt nhân viên hòa nhập với tổ chức.