Nhà tuyển dụng thường đặt ra câu hỏi “Tại sao công ty chúng tôi nên nhận bạn?”. Đây là một câu hỏi khá phức tạp mà ứng viên phải đối mặt khi phải thể hiện sao cho vừa “khéo”, vừa đủ, tránh sự chủ quan mà vẫn chuyên nghiệp.
1. Nhận dạng câu hỏi
Trong hầu hết trường hợp, các nhà tuyển dụng sẽ không đặt câu hỏi trên một cách trực tiếp, mà thay vào đó, các câu hỏi thường gặp mang ý nghĩa tương tự sẽ là:
Tại sao bạn tin rằng bạn là một người phù hợp cho vị trí này?
Điều gì làm bạn tin rằng bạn sẽ làm tốt vai trò này?
Bạn sẽ mang lại gì cho công ty chúng tôi nếu tôi nhận bạn?
Đây là câu hỏi gián tiếp nhằm giúp ứng viên có thể thoải mái đưa ra câu trả lời hơn, nhằm giúp ứng viên có thể giảm bớt căng thẳng, từ đó, nhà tuyển dụng có thể nhận được câu trả lời thành thật và tự nhiên nhất.
2. Mục tiêu của câu hỏi
Các câu hỏi dạng trên bạn sẽ thường gặp khi người phỏng vấn đang cân nhắc các ứng cử viên cuối cùng cho vị trí này. Do đó, nhà tuyển dụng đang cố gắng xem ai là người phù hợp nhất. Một yếu tố quan trọng cần lưu ý là nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu những gì họ không nhìn thấy trên CV của ứng viên.
Mặt khác, người phỏng vấn muốn tìm hiểu về tính cách và xem bạn phản ứng với điều này như thế nào. Đó là cách nhà tuyển dụng xác định các ứng viên phù hợp về tính cách và văn hóa hoặc sự khác biệt thực sự có lợi cho tổ chức.
3. Phương pháp trả lời câu hỏi chuyên nghiệp
Bạn nên sử dụng những kinh nghiệm làm việc cá nhân, câu chuyện nghề nghiệp của bản thân để thể hiện sự phù hợp nhất có thể. Bạn chia sẻ về các công việc trong quá khứ, mục tiêu nghề nghiệp của bạn rất rõ ràng trong tương lai để thấy đây là một công việc bạn rất có đam mê và đã có kế hoạch cụ thể để đạt được nó. Đồng thời, kết hợp với nền tảng, trình độ học vấn và kỹ năng của bạn để thể hiện bạn có sự phù hợp với các yêu cầu của vị trí như thế nào.
Hơn thế nữa, nhà tuyển dụng muốn xem ai phù hợp nhất với tất cả các ứng viên có các kỹ năng và trình độ tương tự. Dưới đây là một số bước bạn nên tuân thủ để có một câu trả lời: đúng – đủ – chuyên nghiệp:
Sơ lược về vai trò, công ty và các kinh nghiệm trong quá khứ.
Thể hiện sự hiểu biết của bạn về vị trí bạn đang ứng tuyển và sự phù hợp của bạn với vị trí dựa trên sự kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, kỹ năng trong quá khứ.
Thể hiện sự khác biệt so với các ứng cử viên khác có cùng kỹ năng.
Ví dụ: Bạn đã có kinh nghiệm làm ở một môi trường có nhiều sự thay đổi, do đó, bạn đã trở nên năng động và có khả năng thích nghi cao; Bạn đã có cơ hội được làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài, do đó, các kiến thức về kinh doanh quốc tế của bạn vững vàng hơn,….
Sự phù hợp về mặt tính cách của bạn với vị trí và văn hóa doanh nghiệp.
Chẳng hạn, bạn đang ứng tuyển cho vị trí Kế toán hãy thể hiện sự cẩn thận và chính xác; Đối với vị trí Thiết kế hãy chứng tỏ rằng bản thân là người sáng tạo và luôn có những ý tưởng khác biệt,…
Kết luận, nhấn mạnh rằng bạn có thể thực hiện tốt hơn trong vai trò này so với những người khác.
Một yếu tố quan trọng của việc trả lời câu hỏi này là phải chi tiết cụ thể và cung cấp một câu trả lời có chứa nhiều chi tiết.
Bạn nên chuẩn bị sẵn câu hỏi này trước khi tiến hành phỏng vấn, điều này giúp bạn xác định rằng công việc này có phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bản thân, đồng thời, bạn có thực sự phù hợp với yêu cầu của vị trí đang ứng tuyển hay không.
Một điều quan trọng không kém đó chính là hãy luôn thành thật và không phóng đại các giá trị của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế những khó khăn gặp phải sau khi được nhận việc và không thể hiện được đúng như mong đợi của nhà tuyển dụng.
Hy vọng thông qua bài viết, kenhnhansu.com đã cung cấp được cho bạn một số kiến thức hữu ích để có thể tự tin trong quá trình thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng.